DƯƠNG HOÈ – CHƯƠNG 01
Cuộc đời, chính là một cuộc hành quân dài, không chấp nhận việc bạn dừng chân ngừng nghỉ, dù chỉ là một bước.
Edit: Đá bào
Beta: Gió
Tên sách: Dương Hoè
Tác giả: Dã Lư
NXB: Văn hoá Thượng Hải
Ngày xuất bản: 01/10/2017
Những mẩu chuyện có liên quan đến “Dương Hoè”
Tin tức bối cảnh
Năm 2011, dưới sự chỉ huy, thống nhất của Bộ Công an Trung Quốc, một vụ án bắt cóc lừa đảo, buôn bán trẻ em xuyên quốc gia cực lớn đã được phá thành công, cắt đứt đường dây buôn bán trẻ em từ nước ngoài vào Trung Quốc, đồng thời triệt phá được mạng lưới tội phạm của tổ chức này ở Trung Quốc …
Năm 2014, Trần Khắc làm đạo diễn cho một bộ phim điện ảnh về đề tài chống tội phạm buôn người – “Dear”.
Bộ phim đã được công chiếu lần đầu trên thế giới tại Liên hoan phim Venice lần thứ 71 vào ngày 28 tháng 8 năm 2014.
Dã Lư
Là một mọt sách đỉnh cao, không thể bắt đầu một ngày làm việc mà không lướt qua Weibo, tôi thực sự không để ý nhiều đến ngành giải trí, mà chỉ thích quan tâm đến những tin tức xã hội.
Một ngày nọ khi đang lướt web, con trỏ chuột vẫn đang cuộn liên tục, tôi tìm thấy một vài dữ liệu gây chấn động.
Đó là số liệu thống kê về số trẻ em bị bắt cóc ở Trung Quốc do một tổ chức xã hội lớn công bố. Con số khổng lồ của nó khiến thần kinh của tôi bị đả kích sâu sắc!
Hóa ra đằng sau cuộc sống êm đềm của chúng ta có biết bao, biết bao gia đình tan nát chỉ vì sự lơ là, sơ sẩy nhất thời để rồi sau đó họ luôn phải sống trong đau thương, dằn vặt đến cuối đời.
Cảnh sát đã tăng cường truy quét những kẻ buôn người, nhiều cư dân mạng sôi nổi liệt kê ra những địa điểm mà những đứa trẻ bị buôn bán từng hay lui tới, và nhiều người cũng đã phát động gây quỹ chống tội phạm và bảo vệ trẻ em.
Tuy nhiên, số trẻ em bị mất tích vẫn ngày một tăng lên.
Lướt chuột trước màn hình máy tính, tôi thừa nhận mình là người hơi cà lăm, sẵn sàng chống lại cả thế giới, nhưng lúc này tôi thực sự muốn làm một điều gì đó cho thế giới này tốt đẹp hơn.
Câu chuyện của “Dương hoè” bắt đầu từ việc xây dựng ý, chất chứa trong đó là cả cảm xúc của cá nhân tôi, lúc đó hàng ngày cứ 6 giờ 30 sáng tôi lại lên đường đến trường học (trường thật sự ở rất xa).
Trên đường từ ga tàu điện ngầm đến chỗ đợi xe buýt, có một người phụ nữ ăn xin đang ôm một bé gái ngồi trên mấy tờ báo cũ nát đã bị ướt một nửa, trước mặt là một cái bát sắt đựng tiền, cúi đầu lạy những người qua đường. Đứa cháu gái nhỏ thoạt nhìn chỉ mới hai ba tuổi, nói còn chưa sõi. Lúc ấy, tôi nhìn họ thấy thật tội nghiệp, người phụ nữ tóc đã điểm bạc cùng với đứa trẻ mắt lim dim ngước lên nhìn bầu trời xám xịt, chợt tôi muốn viết cái gì đó. Thật ra tôi cũng không biết giữa họ có phải thật sự có quan hệ máu mủ hay không, người phụ nữ kia có thật sự là bà hay mẹ đứa bé, còn bé gái ấy không biết có phải cũng bị bán vào một băng nhóm ăn xin hoạt động có tổ chức giống như nhân vật nữ chính trong mấy cuốn truyện tiểu thuyết không, nhưng tôi nghĩ dù sự thật thế nào thì cũng đều khiến con người ta phải đau lòng.
Trong quá trình viết truyện, điều khó khăn nhất với tôi là khi xây dựng nhân vật nữ chính được Cục Công An giải cứu có còn tìm về được với bố mẹ ruột của cô ấy hay không, tôi sợ rằng mình không thể xử lý được cảm xúc lúc đó. Là khi công an giúp đỡ hay khi nhận lại được bố mẹ đẻ, không biết liệu tôi có làm được tốt không. Nhưng sau khi viết xong, tôi thật lòng mong rằng mỗi người nghèo đang lang thang, ăn xin trên đường phố ngoài kia, một ngày nào đó có thể trở về nhà bình an.
Lời gửi gắm của tác giả:
Cầu mong mỗi khi năm mới tới, bạn và những người mình thương yêu luôn được đoàn viên, hạnh phúc sum vầy.
TIẾT TỬ
“Cuộc đời, chính là một cuộc hành quân dài, không chấp nhận việc bạn dừng chân ngừng nghỉ, dù chỉ là một bước.“
Ngô Thành, tại nhà kho bỏ hoang.
Người đàn ông nhìn cô bé một cách hung tợn, tát vào mặt cô bé một cái ‘bốp’: “Chỉ có bấy nhiêu tiền đây sao? Tao cho chúng mày ăn để làm gì!”
Khuôn mặt bị tát nóng rát, Giản Hoa che lấy mặt, không kìm được nước mắt.
“Mày khóc cái gì vậy? Cho chúng mày ăn không thiếu bữa nào, vậy mà chỉ mang được chút tiền về, có phải mày lén giấu đi rồi không?” Người đàn ông tiến đến lục soát khắp người của Giản Hoa, cô càng thêm sợ hãi, vội giơ hai tay ôm đầu.
“Cháu không giấu… không giấu!” Giản Hoa càng khóc lớn hơn, thu hút sự chú ý của chú Cửu đang ở bên ngoài.
Chú Cửu chạy tới ngăn cản người đàn ông kia: “Anh Phùng, đừng đánh đứa nhỏ. Hôm nay không có người qua lại. Chúng em đã ở bên ngoài cả một ngày, thật sự chỉ xin được chút tiền đó thôi.”
“Hay người giấu tiền là mày? Mau nộp lại cho tao, nếu không hôm nay chúng mày đừng hòng nghĩ tới chuyện được ăn cơm!” Phùng Tiêu không hề dừng lại mà vung một cái tát tiếp theo hướng về phía chú Cửu, Giản Hoa núp ở phía sau sợ đến không thốt lên tiếng. Đến âm thanh nghẹn ngào cũng đứt quãng.
Nhìn thấy chú Cửu bị đánh một cách dã man, cô hoảng sợ hét vào mặt Phùng Tiêu: “Đừng đánh nữa, tôi sẽ đi gọi cảnh sát, ông sẽ đi tù, ông sẽ đi tù!”
Chú Cửu và Phùng Tiêu sắc mặt thay đổi ngay lập tức. Phùng Tiêu nắm chặt tay lại thành nắm đấm, đập mạnh vào đầu Cửu Thư một cái: “Mày dạy nó thế à? Còn muốn chạy! Để tao xem mày có chạy được không!”
Giản Hoa sợ hãi, nghe thấy tiếng kêu của chú Cửu, tiếng khóc càng lúc càng lớn: “Không phải, không có ai dạy hết! Cháu sai rồi, đừng đánh nữa, đừng đánh nữa!”
Không ai quan tâm đến cô, chú Cửu đã bị đánh đến gục xuống đất, người bên ngoài nghe thấy tiếng động, khi họ đi vào đã thấy một người đàn ông tàn tật nằm trên mặt đất và người đàn ông còn lại vẫn liên tục xuống tay.
“Hừ! Mày còn muốn chạy, tao đánh chết nó! Tao xem mày còn có bản lĩnh nghĩ đến chuyện đó nữa hay không!” Phùng Tiêu thấy đám người tiến vào liền ra hiệu, lập tức mấy gã đàn ông cao lớn tiến đến, một người giật mạnh Giản Hoa ra, lôi đi, những người khác thì không ngừng vung nắm đấm vào chú Cửu .
“Đừng đánh nữa, cháu sai rồi! Cháu sẽ không bỏ chạy, đừng đánh nữa!” Giản Hoa ngồi dưới đất khóc lóc, nước mắt không ngừng được mà liên tục rơi xuống, cổ họng hét đến lạc cả đi, còn có mấy đứa nhỏ khác thấy cảnh tượng này co rúm lại, cuộn trong lòng một người phụ nữ, không dám nhúc nhích.
“Chạy à! Cho mày chạy này! Đã tàn phế còn không thành thật, tao đánh cho mày què chân thì thôi! Xem mày còn chạy nữa không!” Nắm đấm không ngừng rơi xuống, chú Cửu bị đánh đến trên người be bét máu.
Giản Hoa muốn đứng dậy, nhưng người đàn ông đang kéo cô lại đá cô ngã xuống đất.
Chú Cửu đau đến mức bị đánh cũng không thốt được ra tiếng, cuối cùng không chịu được nữa mà ngất đi.
Những nắm đấm cuối cùng cũng dừng lại, chúng đá vào người trên mặt đất: “Ném nó vào nhà vệ sinh. Tao xem còn ai muốn chạy nữa!” Nói xong, hắn ta nhìn xung quanh, những đứa trẻ và phụ nữ đang run rẩy sợ hãi.
Mấy tên to lớn nhấc chú Cửu vào nhà vệ sinh, trong toilet ẩm thấp, vài giọt nước thải bắn lên mặt của Giản Hoa.
Sau khi đóng cửa lại, cô đến gần chú Cửu, lau vết máu trên mặt chú, khóc.
“Chú Cửu, tỉnh dậy đi.” Cô lay người trên mặt đất, nhưng không thấy phản ứng gì, cô chạy đến bức tường, kéo một chiếc giẻ ra, cố gắng ngăn máu vẫn không ngừng chảy ra trên người chú.
“Chú Cửu, tỉnh lại đi, cháu sai rồi, về sau cháu sẽ không bao giờ nói những lời đó nữa, chú mau tỉnh lại…”
Cả căn phòng chỉ có giọng nói của một mình cô.
Trong trí nhớ của Giản Hoa, những con đường ở Ngô Thành dường như ngày nào cũng được bao phủ bởi lá cây sa mộc vàng. Mỗi ngày khi đi ăn xin, cô sẽ nhặt một chiếc lá lên và cẩn thận bỏ vào túi.
Hồi đó, ngày nào cô cũng đi ăn xin với chú Cửu, buổi sáng ở cổng trường, buổi chiều ở trên cầu vượt và sẽ đến phố đi bộ đông người trong những dịp lễ hội sôi động.
“Cháu nhớ nắm lấy áo của chú, đừng để bị lạc, biết không? Gần đây có rất nhiều kẻ buôn người, chuyên bắt cóc những đứa trẻ như cháu”. Chú Cửu luôn nói với cô như thế, nhưng ngay cả chú cũng quên mất rằng, cả hai đều đang được bọn buôn người nuôi sống.
Chú Cửu là một người tàn tật, bị tai nạn xe hơi mất đi đôi tay, vợ chú chán ghét chồng, nói rằng sẽ đến thành phố lớn làm ăn, nhưng lại chẳng hề quay lại. Người dân trong thôn kể, hôm vợ chú bỏ đi có ngồi trên máy cày của người khác, gã đàn ông điều khiển máy cày còn sờ mông vợ chú nên họ đều nói: “Chắc là cao chạy xa bay với tên đó rồi”.
Chú Cửu không tin, liền nhờ người giúp thu dọn hai bộ quần áo để lên thành phố. Chú nói chú sẽ đi tìm vợ, nhưng còn chưa kịp thấy thành phố lớn, chú đã bị lừa vào nhà kho nơi chú hiện đang sống. Người cai quản đã cướp đi ba trăm tệ cuối cùng mà chú có trong người và đe dọa, bắt chú đưa bọn trẻ ra ngoài ăn xin. Chú một mình lên đây bơ vơ lạc lõng, hễ chống cự là lại bị đánh đòn, đành chịu chấp nhận cuộc đời ăn cơm thừa canh cặn ngày ba bữa….
Giản Hoa bí mật nhét cho chú một cái màn thầu: “Chú, cháu ăn no rồi, chú ăn đi.”
Đôi bàn tay đưa ra đầy sẹo. Chú không đành lòng, bẻ cái màn thầu làm hai, và đưa một nửa lại cho cô.
Lâu lâu lại có người qua đường đi đến ném vài đồng bạc vào cái bát trước mặt họ rồi vội vã bỏ đi. Tiền trong bát còn chưa tới một nửa, tối nay có thể lại không có cơm ăn, Giản Hoa trong lòng đã lên kế hoạch cẩn thận.
Vội vàng trở về trước bữa ăn, chú Cửu đã đứng trước bốt điện thoại công cộng rất lâu, trên đó dán rất nhiều quảng cáo. Cô có thể đọc được không ít, chú Cửu thường dạy cô đọc và viết, bây giờ cô có thể đọc thuộc lòng một số bài thơ.
“Tương lai cháu nhất định phải học tập thật tốt, như vậy mới có bản lĩnh, không cần sống một cuộc sống địa ngục này.” Chú Cửu đột nhiên nói với cô, ánh mắt có chút thương tâm.
Cuộc đời, chính là một cuộc hành quân dài, không chấp nhận việc bạn dừng chân ngừng nghỉ, dù chỉ là một bước.
Giản Hoa không hiểu, những ngày như thế nào mới gọi là chuỗi ngày sống trong địa ngục? Vì từ khi có nhận thức, mỗi ngày đều sống cuộc sống như hiện tại, có cái để ăn, có nơi để ngủ, cô cảm thấy chỉ cần ngày nào không bị đói, ngày đó chính là một ngày thật đẹp.
“Chú quên mất, cháu còn chưa từng có một cuộc sống tốt, làm sao có thể biết được đâu là địa ngục?” Người đàn ông liên tục thở dài.
Chú Cửu thường tâm sự với cô về những ngày vợ chú còn ở nhà. Khi đó, chú là một bác sĩ nghiệp dư trong làng, vì không có chứng chỉ chuyên môn nên chú chỉ nhận những bệnh nhân mắc bệnh nhẹ mà mình có thể chữa khỏi, khi có người bệnh nặng đến, chú đều từ chối: “Tôi sợ, nếu chẳng may có bất trắc, tôi không gánh nổi trách nhiệm đâu! “
Chú cho biết, hồi đó chú không có dư dả nhưng cuộc sống cũng đủ ăn. Nhưng từ khi chú bị tai nạn, tàn tật, không có bệnh nhân đến, vợ chú thì luôn miệng than thở, trách móc với chú là trong nhà không có gạo và muối, rồi sau đó cùng bỏ đi với một số tiền….
Không biết đã qua bao lâu, cửa bị mở ra, ánh đèn chiếu vào làm cho mắt của Giản Hoa hơi đau, cô không thể nhìn rõ, nhưng cô cảm thấy có người đang đến gần mình.
“Vẫn còn có người ở trong này, còn có một đứa trẻ nữa!” Cô nghe thấy bên ngoài có người hét lên.
Sau đó, một vài người lao vào và mang chú Cửu đi. Cô được đưa ra khỏi nhà kho và được đặt cẩn thận trên một chiếc ô tô màu trắng.
Trong xe thực sự sạch sẽ và không có mùi, cô nghĩ trong đầu.